TRANG SINH HOẠT
chuyên phóng sự về các sinh hoạt Cộng Đồng của người Việt Quốc Gia ở Hải Ngoại nói chung và tại Nam Úc nói riêng


Ngày Giỗ Lần Thứ 24
  Giáo Sư Nguyễn Ngọc Huy ở Nam Úc


Tác giả: V.T
Thể loại: Sinh hoạt

        Như lệ thường hằng năm, kể từ ngày chiến hữu Đỗ Văn thư đảm trách chủ tịch khu bộ Nam Úc, Liên Minh Dân Chủ Việt Nam-Nam Úc tổ chức ngày giỗ cho giáo sư Nguyễn Ngọc Huy tại tư gia của chiến hữu. Năm nay cũng không ngoại lệ, ngày giỗ lần thứ 24 của giáo sư được tổ chức vào chiều ngày 28/7/2014 trong bầu không khí trang nghiêm và thân tình của những chiến hữu và thân hữu tham dự.
     Anh Nguyễn Văn Tây OAM, cựu chủ tịch hội cựu QNQLVNCH Nam Úc điều khiển nghi thức chào quốc kỳ và giới thiệu những người tham dự. Kế tiếp anh Đỗ Văn Thư gởi lời cám ơn những chiến hữu, bằng hữu đã dành thì giờ đến tham dự ngày giỗ lần thứ 24 của cố giáo sư Nguyễn Ngọc Huy. Tiếp theo chương trình buổi lể, mọi người tham dự lần lượt được mời đến bàn thờ thắp hương và dâng hoa tưởng niệm giáo sư. Sau buổi lễ mọi người được anh chủ tịch LMDC khu bộ Nam Úc mời dùng cơm tối với gia đình.
      Nhân ngày giỗ năm nay, tôi xin ghi lại vài nét về cố giáo sư, như một nén hương lòng dành cho giáo sư, Người đã vì nước vì dân dành cả cuộc đời xông pha trên con đường chính trị:
 ** Nhớ lại thời gian của hai mươi bốn năm trôi qua, kể từ ngày 28 tháng7 năm 1990 tại Paris Pháp, Giáo Sư Nguyễn Ngọc Huy chủ tịch Liên Minh Dân Chủ Việt Nam đã ra đi về bên kia miền miên viễn. Người đã chống chọi với cơn bạo bệnh cho đến hơi thở cuối cùng lèo lái con thuyền tranh đấu cho lý tưởng Tự Do Dân Chủ cho Việt Nam còn dang dở! 
     Chúng ta khẳng định rằng, sự ra đi của giáo sư là một mất mát to lớn đối với công cuộc  đấu tranh Dân Chủ Việt Nam. Vì thế, ngày nay mỗi lần nghĩ đến Giáo Sư Nguyễn Ngọc Huy, toàn thể anh chị em cán bộ và đoàn viên Liên Minh Dân Chủ khắp nơi hải ngoại và quốc nội đều bùi ngùi thương tiếc. Riêng cá nhân tôi, là một thân hữu của LMDC Nam Úc, nhưng đã có nỗi niềm cảm mến và luyến tiếc về giáo sư Huy không ít!  Với tôi, giáo sư Huy là hình ảnh một người thầy, một người yêu nước, một lãnh tụ anh minh... Người đã một lòng hy sinh cho tổ quốc Việt Nam dù thân xác bị hành hạ do bệnh nan y!  Lòng yêu nước của Người đã không những chỉ riêng cho dân Việt nhìn thấy mà còn ngay cả người ngoại quốc cũng kính phục. Ở điềm nầy, dân Biểu David Kilgour, Phó Chủ Tịch Quốc Hội Canada đã gọi Giáo Sư Nguyễn Ngọc Huy là một Gandhi của Việt Nam. Khi lập lại lời của dân biểu David Kilgour đề cao mình, giáo sư Nguyễn Ngọc Huy vừa cười và nói:
- Tôi được diễm phúc hơn ông Gandhi, tôi đã có truyền nhân tiếp tục con đường đấu tranh của tôi. Những truyền nhân của tôi là tất cả mấy chú, mấy thiếm ở đây!”.
      Tinh thần yêu nước nồng nàn, suốt cuộc đời hy sinh, ý chí kiên trì hiến dâng cuộc sống riêng tư cho quốc gia dân tộc của Giáo Sư Nguyễn Ngọc Huy là ngọn đuốc, là tấm gương sáng đáng cho chúng ta và thế hệ mai sau noi theo. Tinh thần yêu nước cao độ của giáo sư Huy đã thể hiện một cách sáng lạng để người đời sau thương tiếc! Ngay đến thời điểm còn 15 phút trước khi lìa đời, ông vẫn còn bàn bạc, thảo luận với các chiến hữu của ông về chương trình cho Đại Hội Thế Giới Kỳ I Liên Minh Dân Chủ Việt Nam dự trù tổ chức tại Hòa Lan ngày 1 tháng 8 năm 1990. Giáo Sư Nguyễn Ngọc Huy đã để lại những vần thơ bất hủ trong kho tàng văn thơ tranh đấu như sau:
* Lúc hết hơi mới biết đến mạng trời.
   Và nhắm mắt lại mới đành thôi hoạt động!

         Giáo Sư Nguyễn Ngọc Huy quả là chí sĩ yêu nước, chính nhân quân tử, dù ông hấp thụ nền Tây học từ thuở thiếu thời . Lý tưởng sống của Giáo Sư Nguyễn Ngọc Huy được ghi lại  trong tập thơ Hồn Việt của ông với bút hiệu Đằng Phương:
Những người sống là những người biết sống;
Là những người không chịu đứng khoanh tay
Phó đời mình cho cuộc thế vần xoay;
Là những người không để ngày mình trống,
Không để thân mình dạt theo làn sóng
Trôi chập chờn như những bóng trong đêm,
Không can tâm nhắm mắt chẳng trông tìm
Để mãn kiếp đóng vai tuồng thụ động. (4)

    Hôm nay, nhân ngày giỗ lần thứ 24 của giáo sư, tôi xin ghi lại vài dòng về tiểu sử của Người để độc giả ngưỡng mộ tài năng của một người Việt Nam yêu nước thương dân:
*** Giáo sư Nguyễn Ngọc Huy sinh ngày 2 tháng 11 năm 1924, tại bệnh viện Chợ Rẩy, Chợ Lớn, nhưng quê quán tại Quận Tân Uyên, tỉnh Biên Hòa. Lúc thiếu thời theo học bậc Tiểu Học Quận Tân Uyên, sau lên Sàigòn học trường Trung Học Petrus Ký. Vì hoàn cảnh gia đình nghèo, sau khi học hết Trung Học Đệ Nhứt Cấp, sau này vừa đi làm vừa tự học, ông thi đổ lấy bằng Tú Tài, ông làm thư ký cho Tòa Hành Chánh Tỉnh Cần Thơ. Cùng khoảng thời gian này, đầu năm 1945 Giáo Sư gia nhập Đại Việt Quốc Dân Đảng, hợp tác trong Mặt Trận Việt Nam Cách Mạng Đồng Minh Hội,thường được gọi là Mặt Trận Việt Minh, đến năm 1946, sau thời gian dài hoạt động chung trong Mặt Trận, Giáo sư Nguyễn Ngọc Huy nhận chân được dã tâm của Hồ Chí Minh và đảng Cộng Sản thao túng, do đó ông rời bỏ chiến khu trở về Sàigòn và xin làm việc tại Thư Viện Quốc Gia, trong thời gian này Giáo Sư nghiên cứu và viết các tài liệu chính trị tuyên huấn cho đoàn thể, năm 1948 ông là Ủy Viên Trung Ương Ban Chấp Hành Trung Ương đảng Đại Việt.
        Năm 1955, sau khi ông Ngô Đình Diệm về nước cầm quyền với em là Ngô Đình Như làm cố vấn, có chính sách giành độc quyền lãnh đạo, nên chủ trương đàn áp các đảng phái quốc gia đã từng hợp tác với ông Ngô Đình Nhu trước đó. Vì vậy các cấp lãnh đại Đại Việt phải lánh nạn lưu vong tại các quốc gia lân cận: Lào, Cambodia, Thái Lan, riêng Giáo Sư lưu vong tại Pháp, trong thời gian này ông tiếp tục học Trường Đại Học Paris, Khoa Chính Trị Luật Khoa và Khoa Học Kinh Tế. Con đường học vấn của giáo sư sơ lược như sau:
- Năm 1958 ông tốt nghiệp về Bang Giao Quốc Tế
- Năm 1959 tốt nghiệp cử nhân Luật Khoa.
- Năm 1960 tốt nghiệp Cao Học Luật Khoa.
- Năm 1963 tốt nghiệp ưu hạng bằng Tiến Sĩ Chính Trị của Đại Học Sorbonne, viện Đại Học Paris với luận án “Người Ưu Tú Trong Tư Tưởng Chính Trị Trung Quốc Cổ Thời”
     Vào năm 1963, sau khi chính quyền Ngô Đình Diệm bị lật đổ, Giáo Sư liền trở về nước hoạt động. Năm 1964 Đại Việt chống lại chính phủ Nguyễn Khánh, vì chủ trương tái thiết lập chế độ độc tài với Hiến Chương Vũng Tàu. Lúc đầu ông Nguyễn Xuân Oánh, Bộ Trưởng Phủ Thủ Tướng ra tiếp xúc với sinh viên hứa sẻ hủy bỏ Hiến Chương Vũng Tàu, nhưng đoàn biểu tình không đồng ý vì không tin tưởng, cho tới khi Thủ Tướng Nguyễn Khánh ra tiếp xúc đoàn sinh viên biểu tình và ông leo lên carbo xe jeep tuyên bố xé bỏ Hiến Chương Vũng Tàu, hai tay ông nắm xé các trang giấy và la to “đả đảo độc tài Nguyễn Khánh” mà trước đó vài phút đoàn biểu tình còn hô to khẩu hiệu: “Đả Đảo Độc Tài Quân Phiệt Nguyễn Khánh”. Nhưng sau khi ông Nguyễn Khánh xé bỏ các trang giấy và hô to đả đảo độc tài Nguyễn Khánh, thì đoàn biểu tình vỗ tay hoan hô ông, chấm dứt trong vòng trật tự và vui nhộn. Xin mở dấu ngoặc nơi này, chúng ta xin bái phục tinh thần phục thiện và thức thời của cố Đại Tướng Nguyễn Khánh, nhờ vậy mà tình hình chính trị an ninh được ổn định, mặc dù lúc bấy giờ một số tờ báo tại Sàigòn phê phán ông làm trò hề.
       Nhưng sau đó Thủ Tướng Nguyễn Khánh buộc Giáo Sư Nguyễn Ngọc Huy và Bác Sĩ Nguyễn Tôn Hoàn lưu vong. Sau 3 tháng lưu vong tại Nhựt, rồi Hongkong, Giáo Sư Nguyễn Ngọc Huy tìm cách trở lại Việt Nam hoạt động sau khi chính quyền Nguyễn Khánh sụp đỗ. Còn Bác Sĩ Nguyễn Tôn Hoàn tiếp tục lưu vong tại Pháp và sau 1975 lưu vong tại Hoa Kỳ cho đến khi từ trần tại California.
       Vì một số cán bộ cao cấp Đại Việt thiếu tinh thần tập thể đã đưa đến hệ quả: Nguyễn Khánh bằt buộc BS Nguyễn Tôn Hoàn, lúc đó là Phó Thủ Tướng Đặc Trách Bình Định; Giáo Sư Nguyễn Ngọc Huy, Đổng Lý Văn Phòng Phó Thủ Tướng phải lưu vong, đã tạo nên khủng hoảng nội bộ Đại Việt Quốc Dân Đảng. Để tránh nạn tranh chấp làm mất tiềm năng tranh đấu vì bất đồng quan điểm về lề lối làm việc. Sau khi Giáo Sư Nguyễn Ngọc Huy trở về nước, Xứ Bộ Miền Nam cùng với các đảng viên có tinh thần cấp tiến chấp nhận sinh hoạt dân chủ đứng ra thành lập Đảng Tân Đại Việt theo lề lối sinh hoạt dân chủ và Giáo Sư Nguyễn Ngọc Huy được tín nhiệm vào chức vụ Tổng Thư Ký có trách nhiệm điều hành mọi sinh hoạt của đảng, chức Chủ Tịch Đảng vẫn để Bác Sĩ Nguyễn Tôn Hoàn đãm nhiệm, mặc dù ông vẫn sống lưu vong tại Pháp không trở về nước.
      Hôm nay, ngày giỗ lần thứ 24 của giáo sư Nguyễn Ngọc Huy được tổ chức tại tư gia anh Đỗ Văn Thư trong bầu không khí thân tình và trang nghiêm. Để dành một giây phút tưởng nhớ về vị giáo sư khả kính, tôi xin ghi vài cảm nghĩa của tôi với cương vị một người thân hữu Liên Minh Dân Chủ khu bộ Nam Úc:
- Là một nhân truyền của giáo sư Nguyễn Ngọc Huy trên con đường chính trị, chúng ta phải noi theo tinh thần của vị giáo sư khả kính truyền lại chúng ta:
* Lúc hết hơi mới biết đến mạng trời.
   Và nhắm mắt lại mới đành thôi hoạt động!
    
     Adelaide, ngày 28/7/2014

     
V.T